Bài tuyên truyền về ngày toàn dân phòng, chống ma túy Kính thưa toàn thể nhân dân Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Chính vì vậy mà Liên hiệp quốc đã lấy ngày 26.6 hàng năm làm “Ngày quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy”. Hưởng ứng quyết định của Liên Hiệp Quốc, trong những năm qua các quốc gia trên thế giới đã có nhiều hình thức, biện pháp tăng cường các hoạt động phòng, chống, bài trừ tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy. |
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm lấy tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của tệ nạn ma túy để tự phòng, chống làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội. Từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Ở nước ta, những năm gần đây tình trạng nghiện hút, tiêm chích và buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Đáng quan ngại hơn là ma túy đã và đang len lõi vào đời sống học đường. Do vậy công tác phòng chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng cơ quan nào mà cần một phong trào quần chúng rộng rãi, phải có tính xã hội cao. Vậy để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, quản lý, tuyên truyền ngăn chặn thành viên trong gia đình không tham vào gia tệ nạn ma túy, mọi thành viên trong xã hội có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng, theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện. Để làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tệ nạn ma túy các cấp các ngành cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua hoạt động góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các hội viên, đoàn viên Thanh thiếu niên các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy, không còn tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội; Gắn tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, Lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc mít tinh, diễu hành, băng rôn, khẩu hiệu… Giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng chống ma túy - 26/6”, Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thanh Tùng kiên quyết nói “KHÔNG” với ma túy góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội./. |